Cảm ơn Cunky đã đưa ra chủ đề này ! Rất thú vị, tôi xin bàn một chút, thị giác của con người vẫn là một "ẩn số" , trong cùng một thời điểm con người có thể nhìn được rất, rất nhiều hình ảnh. Nhưng bộ não đã giúp ta LỌC bỏ bớt, từ đó ta có khả năng khái quát và ghi nhớ . Ví dụ : khi ta nhìn một khu rừng. cùng một lúc ta có thể thấy từng chiếc lá. Nhưng trí tuệ đã giúp ta khái quát lại để chỉ cần cảm nhận : đó là một khu rừng. Tạo hoá đã ban cho chúng ta khả năng khái quát, từ đó cảm xúc được chắp cánh mà bay bổng . Ta có thể cảm nhận khu rừng này rậm rạp hay huyền bí v .v... thay ví cứ tẩn mẩn SOI vào từng chiếc lá. Còn khi ta muốn nhìn kỹ một chi tiết, một chiếc là chẳng hạn thì cái tổng thể xung quanh lại coi như không "tồn tại" nữa giúp chúng ta tập chung phân tích chi tiết. Điều này hết sức quan trọng trong việc làm và thưởng thức nghệ thuật thị giác .
Trở lại vấn đề tranh Cực thực, các hoạ sỹ Cực thực muốn "biểu diễn" hết nhẽ cái khả năng nhìn của con mắt, thậm chí còn muốn vượt cao hơn nữa để vươn tới cái nhìn của Nhận thức (tức là nhìn bằng lý trí theo sự HIỂU). Họ còn là những người có kỹ thuật siêu đẳng. Cách đây vài năm (tôi không nhớ rõ năm nào) có 1 cuộc triển lãm tranh Cực thực của hoạ sỹ Mỹ tại Bảo tàng Mỹ thuật (Hà nội). Xem tranh thật thì chỉ có thể thốt lên rằng "không hiểu sao sức người lại có thể làm thế". Có lẽ tôi phải nói rằng : kỹ thuật giỏi KHỦNG KHIẾP !
Nếu ai đã từng xem triển lãm này chắc sẽ đồng ý với tôi là Việt Nam chưa có hoạ sỹ Cực thực. Có lẽ vì cái "Tạng" đó không hợp với người VN. Một số hoạ sỹ VN cũng vẽ rất kỹ, mà điển hình là hoạ sỹ Đỗ Quang Em (như Ducart đã nêu trên) . Tranh của Đỗ Quang Em rất kỹ một số chi tiết như các khuôn mặt chẳng hạn nhưng không gian xung quanh thì thường khái quát , hư ảo theo chất Á đông . Chính vì vậy trong giới thường đánh giá Ông theo chủ nghĩa Hiện thực hư ảo chứ không phải Cực thực.
Dưới đây xin cung cấp một số tác phẩm Cực thực . (tranh của Cunky post có một số bức cũng chỉ là Hiện thực, chưa phải Cực thực)

Tranh của Don Eddy (120 x 167 cm) vẽ năm 1971, chất liệu sơn dầu.

Tranh của Richard Estes (166x123,5 cm) vẽ năm 1967 _ Sơn dầu.

Tranh của Gerhard Richter (200x130 cm) vẽ năm 1966 _ Sơn dầu .
Tôi xin bảo đảm 3 bức trên đúng là tranh sơn dầu !