Ở Việt Nam có họa sĩ Đỗ Quang Em cũng đi theo thể loại này, tên ông có trên cả mạng bách khoa Wikipedia nữa, một số tranh của ông được bán với giá hàng triệu đô la, rất tiếc là không tìm được một số tác phẩm của ông.
Họa sĩ Đỗ Quang Em trọng một chữ 'chân'
"Trong hội hoạ, không có trường phái nào hơn trường phái nào. Chỉ có người sáng tác thật hay không thật, hay chảnh choẹ, làm giả, lừa mị mọi người. Như thế là họ đang lừa ngay chính họ. Tội nghiệp lắm", hoạ sĩ tâm sự.
- Tại sao thời gian qua, anh ít vẽ tranh?
- Tay run run thì sao vẽ nổi? Đi khám bác sĩ, họ bảo, tuổi cha mẹ cho là 62 (Nhâm Ngọ), nhưng tuổi cơ thể những 90-100. Còn tuổi tâm hồn, có lẽ đã lên đến vài nghìn.
- Không vẽ, vậy anh sống nhờ vào điều gì?
- Hào quang xưa. Tôi luôn lận trong ví bản photo bài phát biểu của ông Bill Clinton tại Việt Nam tháng 11/2000 để khoe chơi, trong đó có câu "Tranh hoạ của Việt Nam: Hoạ sĩ Đỗ Quang Em đã được giới thiệu tại nhiều triển lãm quốc tế...". Hay sống nhờ báo chí: báo nào thương thì tới gặp. Thôi, chính xác nghe: Sống nhờ vợ, nhờ con nuôi.

Tác phẩm của Đỗ Quang Em.
- 9h kém 15' mỗi sáng, dù đang dở chuyện với ai tại bàn cà phê trong Hội Mỹ thuật, anh lại bật dậy như lò xo tất tả phóng xe về nhà. Vợ anh giao trọng trách gì mà vội vã vậy?
- Tôi là người trăm phần trăm chỉ biết vợ biết con mình. Biết thương yêu chính mình, gia đình mình, sẽ làm thật với lòng mình.
- Ông Gauguin có nói: "Đừng có vẽ cho giống hệt. Nghệ thuật phải là sự trừu tượng hoá". Tuy nhiên, nhìn tranh của anh, người xem ít phải vận dụng trí tưởng tượng?
- Lỗi của Đỗ Quang Em là sáng tác chưa tới. Một tác phẩm được làm tới nơi tới chốn thì người xem, không cần thiết phải ở trình độ nào cũng hiểu được. Ông Gauguin nói vậy, tôi hiểu, là đừng có vẽ cho giống hệt hình thức. Giống hệt hình thức thì không giống được tâm hồn. Bỏ cái thực của hiện tại thì mới thể hiện được cái thực của tâm hồn. Cả đời mình tôi trọng một chữ "chân".
- Dẫn dắt người xem tới mối liên hệ trực diện với cảm xúc của mình, anh triệt để vận dụng luật viễn-cận, ánh sáng-bóng tối. Kiến thức vật lý giúp anh như thế nào?
- Xưa tôi học trường Duy Tân ở Phan Rang, tháng nào ông thày Nguyễn Quảng Tuân cũng quất cho mấy roi, bắt đứng dưới cột cờ vì tội học dốt. Giờ, thì thày Tuân bảo, đời tôi có ba học trò, trong đó có Đỗ Quang Em.
- Lúc này cũng ít nghe Đỗ Quang Em cằn nhằn, ta thán, thậm chí cả doạ thưa kiện (như trước kia) chuyện tranh của mình bị sao chép tùm lum, ngay cả bên Mỹ. Điều gì đã thay đổi anh vậy?
- Mình có hay, ngưòi ta mới chép. Trên con đường tôi đi, nay đã có thêm bằng hữu. Như vậy, tôi không còn cô đơn nữa.
(Theo Lao Động)