Hình họa là gì?
+Salvador Dalis đã từng phát biểu rằng: “Hình Họa là danh dự của người họa sĩ”. Bộ môn Hình Họa là môn học cơ bản của bất kì ngành nghề nào liên quan đến nghệ thuật tạo hình nói chung. Hình họa là yếu tố đầu tiên cần phải được trang bị tốt trên con đường khám phá những gợi mở vô tận của nghệ thuật tạo hình. Môn hình họa trang bị cho người học vẽ khả năng quan sát và thể hiện lại các đối tượng có trong tự nhiên, trang bị khả năng xử lý các tình huống phức tạp của bố cục. Một mặt nào đó, hình họa là là tiêu chí để đánh giá năng lực nắm bắt cái đẹp của tạo hình người họa sĩ.
Học hình họa hay nói cách khác học cách vẽ theo mẫu, trình bày mẫu với những quy chuẩn của khối, ánh sáng và không gian. Mẫu ở đây là hình khối của đồ vật, cảnh vật…. hay, khó và thú vị nhất là vẽ nghiên cứu về con người, một lĩnh vực mà người học vẽ cần phải học và được xem là rất quan trọng
Hình họa theo phương Tây, nhất thiết khi nghiên cứu là phải có mẫu. Tính chất nghiên cứu của họ nặng về duy lý, với quan niệm phải rõ tường tận để rồi diễn đạt thấu đáo, trước tiên phải “giống” ở hình thức trên cơ sở khoa học. Vào thời Phục Hưng, các nhà nghệ sĩ vĩ đại như Michel Angelo, Leonardo Da Vinci…. Đã nghiên cứu con người bằng cách mổ xẻ xác người chết nhằm tìm hiểu cấu trúc về cơ bắp, xương cốt, hình dáng…..góp phần bổ sung kiến thức trong lĩnh vực nhân hình học, ứng dụng vào các tác phẩm tạo hình.
+Ở phương Đông, mà tiêu biểu là nền Mỹ Thuật cổ Trung Hoa, việc nghiên cứu Hình Họa có nhiều điểm khác với Châu Âu, nó không nặng về lí, có câu “họa hổ họa bì, nan họa cốt”. Có hai nghĩa: vẽ bên ngoài thì dễ, chứ vẽ bên trong thì khó hơn, ý ở đây còn bao hàm nghĩa sâu xa của nó, bên trong chính là thần sắc, là điều quan trọng theo quan niệm phải là khi vẽ, hình và thần phải đi đôi với nhau. Thời lục triều (khoảng từ thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ thứ 5), nổi tiếng có họa sĩ Tạ Hách vừa vẽ giỏi vừa tổng kết ra lục pháp (sáu phép tắc ứng dụng trong Hội Họa), mà trong đó phép vẽ dụng đến “thần” để thực hiện là khó nhất, và cho rằng xưa nay ít người đạt được. Người Trung Hoa nhìn đối tượng trước, nghiền ngẫm, khi nhập tâm rồi mới dụng bút lên giấy lên lụa để thực hiện cái “thần”.

+Như vậy chúng ta thấy rằng, có hai vấn đề trong việc nghiên cứu hình họa: tìm hiểu có tính cách khoa học, nặng về lý trí, đồng thời tìm thần sắc bên trong bằng cách nghiên cứu thể hiện bên ngoài. Một đằng vừa ngắm vừa phân tích để thực hiện, một đằng ngắm để nhập tâm và sau đó diễn đạt. Thật ra cả hai vấn đề này điều hay và bổ sung cho nhau, đều mong sao đạt được mục đích cao nhất trong hình họa: “Hình thần kim bị”, diễn tả bên ngoài để nói cái bên trong và cái bên trong được người xem hiểu rõ nhờ hình thức bên ngoài.
Yếu tố khoa học là điều đầu tiên cần phải có của môn Hình Họa. Nó là môn học tổng hợp, có liên quan đến một số lĩnh vực khác như Phối Cảnh, Khoa Học về Màu Sắc, Nhân Hình học và quan niệm về Thẫm mỹ học. Khởi đầu, người học muốn vẽ vững cần phải có một cách học khoa học về cách dựng hình, tỉ lệ, dáng dấp, không gian, màu sắc…. Để nắm được những điều này là cả một quá trình luyện tập có phương pháp, những vấn đề được sáng tỏ phần lớn nhờ vào thực hành và sự phân tích của khối óc. Nghiên cứu hình họa nóng vội theo nghĩa đốt giai đoạn rất khó đoạt hiệu quả, nó cần một khoảng thời gian tối thiểu nào đó với sự nỗ lực tự thân của người học vẽ, mới mong đạt được hiệu quả nhất định.
Yếu tố trung thực cũng được xem là một yếu tố không thể thiếu trong việc nghiên cứu Hình Họa. Sự trung thực ban đầu được hiểu là vẽ giống mẫu về tất cả phương diện như ngoại hình, không gian, thời gian nào đó.
Sự xúc cảm của họa sĩ trước đối tượng được thể hiện trong tác phẩm, mà người xem cảm thụ được, đồng cảm được là một yếu tố quan trọng không kém. Xúc cảm được bộc lộ trong tác phẩm, nó chính là linh hồn của tranh, chiếm một vị trí lớn, để xác định giá trị tác phẩm.
NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý KHI NGHIÊN CỨU HÌNH HỌA
Tóm lại, phải xác định đúng tính chất của môn học hình họa thì mới có cách nghiên cứu đúng. Ngày nay, các sinh viên khi thể hiện một bài hình họa, hay bị nhập nhằng giữa 2 yếu tố là: “nghiên cứu hình họa” và “vẽ hình họa”, đây là 2 yếu tố không hoàn toàn giống nhau, giữa một cái thiên về học thuật, và một cái thiên về quan điểm tạo hình. Tôi nghĩ đây không phải lỗi do sinh viên, vì họ nhiệt huyết tuổi trẻ, khát khao,mong muốn nhanh chóng thể hiện quan điểm sáng tác của bản thân trên con đường nghệ thuật. Lỗi là do chưa thống nhất thật rõ ràng các tiêu chí đánh giá theo từng cấp, sinh viên năm 1, năm 2, năm 3 thì nên thiên về nghiên cứu học thuật thông thường, không nên khuyến khích “phá cách” vì đây là giai đoạn tạo dựng nền tảng. Còn sinh viên năm 4, năm 5 thì thiên về khuynh hướng tạo dựng phong cách riêng, tính mới, lạ, hay là tiêu chí cần được dánh giá cao.
Tất nhiên, 2 yếu tố nêu trên không thể tách rời vì dù gì đi nữa, các bạn học hay nghiên cứu thì mục đính cuối cùng là sáng tác. Và muốn sáng tác tốt thì cần phải có nền tảng học thuật.
Do đó, tôi tạm phân biệt 2 kiểu hình họa, đó là: hình họa nghiên cứu và hình họa sáng tác. Trong đó, hình họa nghiên cứu là trình bày lại sự vật, con người dưới góc độ học thuật, còn hình họa sáng tác nói đại ý là thể hiển quan điểm nghệ thuật của họa sĩ về đối tượng nghiên cứu. Cá nhân tôi cho rằng, đây là 2 “ thể loại” chứ không phải 2 “cấp độ” vì loại nào cũng có cái sâu sắc riêng, tuy vậy, bạn không thể sáng tác hình họa được nếu bạn không có nền tảng nghiên cứu học thuật. Đây là kiểu quan hệ vừa “ràng buộc” lại vừa “tách rời” và cái gốc vẫn chính là nghiên cứu học thuật.
Sưu tầm