XEM TRANH TƯỢNG CỦA
NHÀ ĐIÊU KHẮC - HOẠ SĨ PHẠM CUNG
“Đá vang hội họa điệp trùng”
Đó là câu thơ của thi sĩ Bùi Giáng viết khi xem tượng mình do Phạm Cung tạc, còn tôi khi xem tranh Phạm Cung lại có cảm nhận ngược lại – như xem một tác phẩm điêu khắc hai chiều trên bố. Những nhát cọ mạnh mẽ đầy góc cạnh, như những nét đục đẽo vào đá tảng, cái kiểu “hồi sinh nham thạch bi hùng tạc ghi” như thơ Bùi lão tiên sinh đã viết. Những tảng khối màu sắc trong tranh Phạm Cung như mang nét u tịch khuất lấp của đá núi vang vọng những thanh âm không tiếng từ triệu triệu năm của nham thạch hồi sinh. Cả những tranh khỏa thân của Phạm Cung cũng hằn lên nét gân guốc mạnh mẽ bên trong nét mượt mà của những gam màu lạnh. Trước 75, ở Sài Gòn cũng có một họa sĩ có nét vẽ gầy và khỏe khoắn là Duy Liêm, hỏi ra mới biết hai họa sĩ khá thân, có lúc làm việc chung với nhau từ 1957.
Tôi quen Phạm Cung từ gần 10 năm trước, từ hồi mới đổi mới, từng đến xem tranh tượng của ông ở căn nhà nhỏ cũ kỹ trong con ngõ Trần Cao Vân đường Hồ Biểu Chánh, Phú Nhuận. Căn nhà nay đã sửa sang lại tuy vẫn nhỏ nhưng khá khang trang, gọn gàng, có tầng gác vừa là nơi làm việc vừa là chỗ nghỉ ngơi của họa sĩ. Quanh chỗ ông nằm là tranh và tượng. Điều rất thú vị mà bất cứ ai gặp Phạm Cung ngay lần đầu cũng thấy là, mặc dù đã bước sang tuổi 60 (ông sinh 1936) nhưng nhà nghệ sĩ gốc Quãng Ngãi này có tâm hồn rất trẻ trung, đôi khi hồn nhiên. Nghe Phạm Cung nói về nghệ thuật say sưa dù đã cầm cọ và đục gần 40 năm qua nhưng cứ ngỡ ông là một nghệ sĩ trẻ, nếu không nhìn mái đầu hói và đôi kiếng dày cộm của ông. Ông nói về tác phẩm của mình đầy tự tin và pha chút kiêu hãnh. Tôi hỏi ông tay cầm cọ, tay cầm đục, thế tay nào là “tay phải”. Phạm Cung nói khi ông vẽ, là họa sĩ thì tay cọ là tay phải, còn khi cầm đục là nhà điêu khắc thì tay phải chính là tay đục. Phạm Cung cho rằng cầm cọ, cầm đục hay làm bất cứ bộ môn nghệ thuật nào cũng cần có cái tâm, phải trung thực. Đầu tiên là trung thực với chính mình và sau đó là với người thưởng ngoạn. Vẽ phải cho ra vẽ, chứ không nên lạm dụng cái gọi là sáng tạo để lừa bịp người và gạt chính mình và rồi anh ta chính là nạn nhân đầu tiên của chính mình. Phạm Cung hùng hồn: có nhiều họa sĩ vẽ lập thể, trừu tượng, siêu thực đủ cả, nhưng bảo thử vẽ con ngựa nhiều khi vẽ thành con chó! Ông lên án cả những thủ thuật, kỹ xảo lắp ghép vụn vặt rồi gọi đó là tác phẩm nghệ thuật…
Vừa qua Phạm Cung triển lãm chung với 4 họa sĩ Chóe, Uyên Huy, Đỗ Nam và Lê Hiếu tại số 6 Phạm Ngọc Thạch do báo Công An Nhân Dân tổ chức kỷ niệm 50 năm thành lập báo CAND và 21 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đây là cuộc triển lãm thứ 7 – cả chung lẫn cá nhân của Phạm Cung từ 1975 đến nay. Tranh tượng của Phạm Cung đã có mặt trong các bộ sưu tập cá nhân và các bảo tàng mỹ thuật ở Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Mỹ… Tranh Phạm Cung hiện đang được bày thường xuyên ở Gallery Andrew Chinn, Sealte, Mỹa1
Mặc dù tranh Phạm Cung gây được ấn tượng mạnh nơi người xem (và bán khá chạy) nhưng tôi vẫn thích tượng của ông hơn. Nhất là tượng các nghệ sĩ đẽo từ đá như tượng Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư…, cả chân dung tự đục của chính ông. Xem các tượng đá này tôi nhớ đến các chân dung tự vẽ theo lối thần tượng hoá của lão họa sĩ Hoàng Lập Ngôn hoặc các tranh chân dung nghệ sĩ cùng thời của Bùi Quang Ngọc, như tượng Bùi Giáng toát lên nét phiêu bồng, ngạo nghễ, cái hồn – của Bùi Giáng thi sĩ. Thế nhưng, gần đây Phạm Cung chuyển sang vẽ nhiều hơn đục. Mong rằng Phạm Cung đừng mê mải chạy theo sắc màu và cây cọ nhẹ nhàng mà bỏ quên những tảng đá và cây đục nặng nề vẫn nằm chờ bàn tay của ông ở bên hiên nhà…
(Theo artsaigon.net)

Bùi Tiên Sinh (Bùi Giáng) - tượng đá

Nhạc sĩ Phạm Duy - Tượng đồng
